Nội dung
1. Vì sao cần thực hành lòng vị tha?
Hằng là một nhân viên văn phòng đã làm việc được 8 năm, cô đang về nhà với sự mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt. Áp lực công việc liên tục khiến cho sức khỏe của cô ngày càng trở nên mệt mỏi hơn, cũng khiến cô không có nhiều thời gian dành cho gia đình, khiến cho không ít mâu thuẫn đã xảy ra giữa cô với chồng và các con..v..v..Một ngày, cô tìm đến Linh, người bạn thân của mình để tâm sự và than phiền về cuộc sống quá áp lực, khiến cô cảm thấy mất phương hướng. Linh đưa cho Hằng cốc nước trà đầy và hỏi “nếu bây giờ, vẫn là chiếc ly này, nhưng mình thấy nước trong ly quá nhạt, không muốn uống nữa và muốn uống vị nước ép ngọt ngào hơn thì chúng ta cần làm gì?”. Hằng nhanh chóng nhận ra rằng nếu mình muốn thay đổi 1 loại nước mới trong ly thì cần phải đổ đi loại nước cũ.
Khi bạn cảm thấy cuộc sống quá áp lực hay nhàm chán, đó là dấu hiệu để bạn nên thực hành lòng vị tha, tha thứ để loại bỏ và thổi 1 làn gió mới cho cuộc sống của chính mình. Hãy tha thứ và lìa xa tất cả những điều khiến bạn bận lòng trong quá khứ, đó có thể là những bế tắc trong công việc, là người đồng nghiệp luôn gây khó cho bạn, là người sếp không lắng nghe và thấu hiểu cho bạn, là người bạn đời không đồng cảm với bạn, là những người con không nghe lời hay là bất cứ điều gì.
Khi ta đắm chìm trong những điều tiêu cực, ta không thể tận hưởng cuộc sống đầy ý nghĩa. Tha thứ không có nghĩa là quên, mà là giải phóng bản thân khỏi gánh nặng tâm trí. Bằng cách lìa xa quá khứ, ta tạo ra không gian cho sự hạnh phúc, sự bình an và tâm trạng tích cực trong tương lai. Hãy cho phép mình trở thành phiên bản tốt nhất và tự do hơn trong năm mới bằng việc tha thứ và bước tiếp đi.
2. Hãy tha thứ cho những điều không hoàn hảo:
Một thách thức lớn đối với bản thân mà chúng ta thường hay gặp phải, đó là là sự cầu toàn và đôi khi, bạn sẽ tự gây áp lực lên bản thân. Hãy buông bỏ sự cứng nhắc đó, tha thứ cho mình được mắc lỗi và học hỏi từ những thất bại. Thay vì chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng, hãy tận hưởng vào hành trình mà chúng ta trải nghiệm và đánh giá cao những bước tiến nhỏ và sự học hỏi mà chúng ta đạt được trên hành trình chinh phục mục tiêu đó.
Hãy cho phép mình thực hiện những việc mà không cần hoàn hảo. Đôi khi, việc bạn hoàn thành một nhiệm vụ vẫn tốt hơn là không làm gì cả. Hãy tìm cách giảm bớt sự cứng nhắc và cho phép mình được có những sai sót nhỏ để học tập và hoàn thiện hơn.
Và sẽ càng tuyệt vời hơn khi sau những thất bại lại khiến bạn có thể hoàn thiện chính mình và tìm ra hướng đi phù hợp hơn. Hãy biến những vấn đề xung quanh bạn trở thành những nấc thang giúp bạn tiến gần đến mục tiêu của mình hơn.
Đặc biệt, trong cuộc sống kinh doanh, chúng ta thường bị áp lực bởi công việc và trách nhiệm.
“Nhà tù của riêng mỗi chúng ta là tình trạng bếch bênh, không chắc chắn rằng liệu những nỗ lực của chúng ta có thực sự giải quyết được vấn đề hay không.” – trích sách Quản Lý Nghiệp –
Đó là cảm giác thật tệ khi những điều chúng ta cố gắng lại không giúp mình tối ưu hiệu suất công việc hay đạt mục tiêu. Nhân dịp năm mới, bạn cũng hãy đổi mới cho công việc cũng như cuộc sống của mình và sẵn sàng chào đón những thay đổi tích cực, đón nhận những cơ hội mới, hy vọng mới và thêm nhiều màu sắc mới cho những điều tươi đẹp hơn.
3. Học cách buông bỏ và tha thứ:
3.1 Bí mật đơn giản hoá cuộc sống với không gian xung quanh:
Đầu tiên, hãy bắt đầu với việc dọn dẹp lại không gian sống hay văn phòng làm việc của bạn. Lâu ngày theo thói quen, chúng ta thường chìm đắm trong không gian cũ và những đồ vật không cần thiết. Một không gian lộn xộn và đầy rẫy những vật dụng vô nghĩa vì không được dùng đến có thể khiến tâm trí của bạn bị phân tán và khó tập trung vào công việc hoặc hoạt động hiện tại. Điều này dẫn đến sự xao nhãng và làm giảm hiệu suất làm việc.
Mặc khác, một không gian bừa bộn, không được sắp xếp gọn gàng còn vô tình sẽ gây nên 1 cảm giác tâm lý khiến chúng ta có thể cảm thấy bị áp đảo và khó khăn trong việc tìm kiếm đồ vật khi cần, góp phần khiến cho tâm trí chúng ta dễ dàng bị căng thẳng và áp lực.
Và chính những điều này sẽ khiến cho tâm trí của chúng ta dễ mất đi sự sáng suốt, cân nhắc trước mỗi lời nói, suy nghĩ hay hành động. Từ đó mà một cách vô thức, chúng ta dễ dàng lạc vào vòng xoáy tạo ra dấu ấn của những điều vô nghĩa, khiến cho cuộc sống hay công việc ngày lại càng lu mờ, hỗn độn và mất đi giá trị xứng đáng.
Một cách hữu hiệu nhằm đơn giản hóa cuộc sống là bạn hãy đi quanh ngôi nhà của mình và vứt bỏ bất cứ đồ vật nào mà bạn không hề sử dụng trong vòng sáu tháng qua. Nó cũng chiếm chỗ trong tâm trí bạn, khiến bạn bận rộn và không thể nghỉ ngơi. – trích chương 4, sách Quản Lý Nghiệp –
Và bằng cách loại bỏ những món đồ không còn sử dụng trong 6 tháng gần nhất, chúng ta không chỉ tạo cho mình không gian sống và làm việc mới mà sẽ còn cảm nhận được sự thông thoáng và thoải mái hơn trong tâm trí. Những đồ vật này, bạn có thể đem tặng cho 1 tổ chức từ thiện hoặc tặng lại cho 1 đồng nghiệp khác đang cần để duy trì vòng đời sản phẩm, tạo nên điều ý nghĩa và giảm lượng rác thải ra môi trường.
Hoặc bạn cũng có thể dành thời gian để dọn dẹp vườn hoặc cắt tỉa lại các cây xanh trong phòng làm việc. Điều này sẽ giúp ích cho việc bạn dọn dẹp lại tâm trí để thoải mái và có cái nhìn rõ ràng về những giải pháp đúng đắn cần tập trung để phát triển bứt phá.
3.2 – Làm sạch tâm trí để giải phóng sự căng thẳng:
Bên cạnh việc dọn dẹp không gian vật chất, chúng ta cũng cần dọn dẹp tâm trí. Trong thế giới hiện đại với sự phổ biến của công nghệ và thông tin, tâm trí của chúng ta thường bị quá tải và căng thẳng khi mỗi ngày đều liên tục tiếp nhận vô số luồng không ngừng nghỉ của thông tin, thông báo và yêu cầu.
Để dọn dẹp tâm trí, chúng ta có thể áp dụng những biện pháp như thiền định, tập yoga, hoạt động thể thao, viết nhật ký hoặc đơn giản là dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Ngoài ra, bạn cũng hãy ghi ra danh sách những việc bạn đang làm, xem xét mức độ quan trọng của từng yếu tố trong danh sách để ưu tiên những yếu tố quan trọng và dần giảm bớt các hoạt động không cần thiết, trong cuộc sống và cả công việc của bạn
Những hoạt động như vậy giúp chúng ta giải phóng căng thẳng, làm sạch tâm trí và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tập trung và sáng tạo. Hãy tạo cho mình không gian thông thoáng và cả một tâm trí thoải mái để thư giãn và tận hưởng trong chính công việc và cuộc sống của mình.
3-3 Tha thứ cho chính mình với những sai lầm trong quá khứ:
Và sẽ còn gì tuyệt vời hơn khi trước thềm năm mới, bạn có thể sắp xếp lại cảm xúc và tha thứ cho chính mình với những lỗi lầm hay những điều chưa tốt trong năm cũ. Khi chúng ta mãi bám chấp và mang theo gánh nặng của những lỗi lầm, hối tiếc hay đau khổ trong quá khứ, chúng ta sẽ mãi bị mắc kẹt trong mê cung của những cảm xúc tiêu cực như sự lo lắng, hối hận, căng thẳng và áp lực.
Dù cho những lỗi lầm đó có thể tệ như thế nào thì khi chúng ta đã xảy ra, ngay lập tức, chúng đã trở thành quá khứ và đừng để quá khứ quyết định tương lai của bạn. Điều duy nhất bạn có thể làm bây giờ là hãy chấp nhận quá khứ, điều này sẽ giúp chúng ta giải phóng mình khỏi sự ràng buộc và những tổn thương mà quá khứ gây ra, từ đó, chúng ta có thể tập trung hơn vào việc thay đổi và chuyển hoá tương lai tích cực hơn.
Tuy nhiên, việc chấp nhận này không đồng nghĩa với việc chúng ta đồng tình với những hành động đã gây cho mình sự tổn thương. Chúng ta chấp nhận bản thân mình với những lỗi lầm trong quá khứ và tha thứ cho chính mình để giải phóng bản thân khỏi sự tự trách móc và mê cung của những cảm xúc tiêu cực không cần thiết.
Vì ở thời điểm đó trong quá khứ, hành động này là điều tốt nhất và duy nhất mà chúng ta có thể làm. Và không ai mà không từng phạm lỗi, điều quan trọng là chúng ta đã kịp nhìn lại những sai lầm và hành động không đúng đắn trong quá khứ để điều gì là tốt hơn, con đường nào là phù hợp với mình hơn và kịp thay đổi để chuyển hoá, tiến gần đến mục tiêu của mình hơn.
Thomas Edison – một nhà phát minh và doanh nhân nổi tiếng đã phát minh ra bóng đèn điện. Ông đã thất bại trong hơn 1.000 thí nghiệm trước khi cuối cùng thành công trong việc tạo ra một bóng đèn đủ sáng để sử dụng thương mại. Một người phóng viên từng hỏi Edison rằng làm sao ông không nản chí sau hàng trăm thất bại. Edison đã trả lời rằng: “Tôi không thất bại. Tôi chỉ tìm ra 10.000 cách không thành công để tạo ra một bóng đèn điện.” Thông qua mỗi thí nghiệm thất bại, Edison không coi đó là một thất bại mà là một bài học quý giá để giúp ông tiến bộ hơn.
Hãy chậm lại, hít thở và dành 1 chút thời gian để lắng nghe chính mình! Đã đến lúc để bạn buông bỏ những điều tiêu cực không cần thiết, quy tụ và tập trung vào mục tiêu bức tranh cuộc sống bạn mong muốn để đổi mới và nâng cấp cho cuộc sống của chính mình.